NGUYÊN TẮC 90/10
Chính chúng ta là người quyết định cuộc sống của bản thân. Đó là nội dung mà Stephen Covey khẳng định trong quy tắc 90/10. Stephen Covey (1932-2012) là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất, theo bình chọn của tạp chí Time. Ông đã dành cả cuộc đời của mình để chứng minh làm thế nào mọi người thực sự có thể kiểm soát vận mệnh của họ với những hướng dẫn sâu sắc, nhưng đơn giản.
Là một lãnh đạo một cơ quan thông tấn quốc tế có uy tín, chuyên gia về gia đình, giáo viên, chuyên gia tư vấn tổ chức, lời khuyên của ông có tác động tích cực tới cuộc sống của hàng triệu người.
Nguyên tắc 90/10 là gì?
- 10% cuộc sống của bạn được tạo thành bởi những điều đang xảy ra cho bạn.
- 90% cuộc sống được quyết định bởi cách bạn phản ứng trước các tình huống trên.
Điều này có ý nghĩa gì? Thật ra, chúng ta không thể ngăn việc chiếc laptop đang dùng tốt bỗng nhiên hỏng, tắc đường hay trễ máy bay.
10% những sự việc xảy ra ngẫu nhiên trong cuộc đời chúng ta không thể kiểm soát được.
Nhưng 90% còn lại thì khác hẳn, chính cách bạn xử lí vấn đề sẽ quyết định 90% còn lại đó.
Hãy lấy một ví dụ:
Cả gia đình đang ăn sáng, con gái vô tình làm đổ cà phê ra áo sơ mi của bạn. Bạn tức giận, quát con gái và mắng vợ đã quá bất cẩn khi để cốc cà phê quá gần mép bàn. Vội vàng thay chiếc áo mới nhưng khi bạn quay lại bàn ăn, con gái đang khóc vì chưa ăn sáng xong và cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng sách vở để đi học. Kết quả là, con gái không bắt được xe bus đi học. Vợ vội vã vì đi làm muộn nên bạn phải đưa con đến trường. Bạn cũng muộn giờ làm, vì thế bạn lái xe rất vội.
Đến công ty muộn 20 phút, bạn mới phát hiện ra mình đã quên giấy tờ quan trọng ở nhà. Khởi đầu một ngày mới thật tồi tệ. Có lẽ, cả ngày cũng sẽ chẳng khá hơn! Tan làm, vợ và con gái chào đón bạn với khuôn mặt ủ rũ và căng thẳng. Nguyên nhân vì sao?
A. Vì con gái làm đổ cà phê.
B. Vì con gái lỡ xe bus nên bạn phải đưa con đi học.
C. Vì tắc đường nên bạn muộn giờ làm.
D. Cách bạn phản ứng khi con gái làm đổ cà phê đã dẫn đến loạt những sự việc khó chịu tiếp theo.
D chính là câu trả lời đúng. Chính bạn đã khiến cả gia đình trải qua một ngày tệ hại. Bạn không thể ngăn việc con gái làm đổ cà phê nhưng bạn có thể thay đổi cách phản ứng.
Nếu có thể quay lại buổi sáng, bạn sẽ làm thế nào? Khi cà phê làm bẩn áo sơ mi của bạn và con gái sắp khóc, bạn chỉ nói nhẹ nhàng: “Không sao, lần sau con cẩn thận hơn nhé”. Bạn lấy khăn lau, đi vào phòng ngủ để thay chiếc áo khác, sau đó cầm những giấy tờ cần thiết cho công việc và quay lại phòng ăn. Qua cửa sổ, bạn nhìn con gái đã lên xe bus đến trường. Chào tạm biệt vợ, bạn lái xe đi làm mà không gặp tắc đường, thậm chí còn đến công ty sớm hơn 5 phút.
Hai diễn biến khác nhau cho cùng một câu chuyện. Giờ thì bạn đã hiểu cách phản ứng của bạn ảnh hưởng thế nào đến những sự việc xảy ra trong cuộc sống. Tất nhiên, ai cũng có thể đổ lỗi cho người khác về những rắc rối mà họ gặp phải, nhưng phàn nàn về mọi thứ liệu có ích gì?
Chuyến bay bị hoãn, lịch trình của bạn phải hủy không phải lỗi của nhân viên sân bay. Thay vì bực bội, bạn có thể sử dụng quãng thời gian chờ đợi hữu ích hơn bằng cách đọc sách hay đơn giản là trò chuyện với những hành khách khác.
Nếu ai đó muốn vượt qua bạn trên đường cao tốc, hãy để họ vượt. Đừng vội vàng, nhanh chậm hơn vài giây sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.
Hãy nhớ rằng: Cách bạn phản ứng với 10% sự việc xảy ra ngẫu nhiên sẽ quyết định 90% các sự việc còn lại trong cuộc sống của bạn.
Áp dụng nguyên tắc 90/10 ngay từ hôm nay, bạn sẽ bất ngờ vì cuộc sống sẽ hầu như không còn rắc rối. Tất cả chúng ta đều đang căng thẳng vì làm việc và đương đầu với những thứ bất ngờ xảy ra. Cuộc sống chỉ đang thử thách thôi, chúng ta có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh dần dần. Mọi thứ bạn suy nghĩ, thực hiện đều giống như boomerang. Khi bạn quăng đi, nó sẽ quay trở lại với bạn. Nếu bạn muốn nhận, hãy cho đi trước đã. Cũng có thể bạn sẽ không nhận lại được gì, nhưng trái tim bạn sẽ ngập tràn yêu thương
Và những ai yêu cuộc sống đều có thể cảm nhận được điều tuyệt vời đó trong tâm hồn!
Thông thường cảm xúc của con người chia làm hai loại: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực bao gồm: vui vẻ, phấn khích, thích thú, tin tưởng, yêu thương, hào hứng, hãnh diện, đam mê,…. Còn cảm xúc tiêu cực bao gồm: buồn bã, ghen tỵ, khó chịu, chán nản, uể oải, lo lắng, kiêu căng, sợ hãi,….
Chúng ta hay gặp khó khăn trong việc “làm chủ cảm xúc” khi luôn để cho những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của mình. “Làm chủ cảm xúc” ở đây không có nghĩa rằng lúc nào chúng ta cũng phải vui vẻ, lạc quan, yêu đời. “Làm chủ cảm xúc” có nghĩa là chúng ta trân trọng những cảm xúc mà mình có và sau đó biết cách chuyển hóa cảm xúc của mình từ tiêu cực sang tích cực.
Có nhiều cách có thể giúp chúng ta kiềm chế cảm xúc của mình, một trong những cách đơn giản nhất đó là bắt đầu Viết nhật ký. Mỗi khi trải qua một cảm xúc buồn bã, lo lắng, hoặc suy nghĩ tiêu cực, hãy viết tất cả những điều đó ra một quyển sổ.
Chúng ta có thể sử dụng một số câu hỏi sau đây để giúp mình nhận diện cảm xúc tốt hơn:
- Cảm xúc hiện tại của mình là gì?
- Vì sao mình có những cảm xúc đó?
- Những cảm xúc này bắt nguồn từ sự việc, sự kiện nào?
- Những cảm xúc này đang ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi của mình như thế nào?
- Với cùng một sự việc, sự kiện đó, mình có thể chuyển hóa nó theo những cách nào tích cực hơn (Chuyển hóa nó theo một góc nhìn khác, hoặc đặt nó vào một hoàn cảnh, bối cảnh khác.)
- Sau khi chuyển hóa ý nghĩa, cảm xúc của mình có sự thay đổi như thế nào?
Bên cạnh đó, chúng ta luôn có thể chia sẻ cảm xúc của mình đối với những người xung quanh, những người thân thiết như gia đình, bạn bè…
Chỉ cần chúng ta mở lòng mình ra thì tất cả mọi người luôn sẵn sàng ở bên lắng nghe, chia sẻ và đưa ra những góc nhìn khác giúp chúng ta thêm vui vẻ và tích cực hơn mỗi ngày.
St.